Trong quá trình dạy học để khắc phục được lỗi chính tả cho học sinh thì
việc phân loại học sinh theo các lỗi chính tả học sinh thường hay mắc
phải là việc làm đầu tiên để giáo viên có cơ sở lập ra kế hoạch chữa lỗi
chính tả cho các em. Có hai loại lỗi chính tả phổ biến, đó là: lỗi chính tả theo phương ngữ và loại lỗi do học sinh không nắm vững qui tắc chính tả.
Ảnh minh họa |
Tiến hành rèn chính tả:
Sau khi phân loại, điều tra việc rèn cho
học sinh nắm vững quy tắc chính tả thì chúng ta dễ dàng thực hiện được
qua cách xây dựng các qui tắc chính tả và giúp học sinh ghi nhớ.
Ví dụ: viết “g” trước: a, ă, â, o, ô, ơ, u ,ư; viết “gh” trước: e, ê, i
Đối với các học sinh mắc các loại lỗi
chính tả theo phương ngữ thì các loại lỗi các em thường viết sai như:
s/x; ch/tr; r/d/gi; an/ang; dấu hỏi/dấu ngã…
Chính vì những lý do trên, khi đọc mẫu
cho học sinh viết chính tả, giáo viên phải đọc đúng và chuẩn xác. Nếu
giáo viên đọc không đúng, không chuẩn thì học sinh sẽ viết sai lại càng
sai nhiều hơn. Những ảnh hưởng của phương ngữ trong quá trình đọc cho
học sinh viết chính tả sẽ dẫn đến hiệu quả dạy học chính tả kém.
Đến phần hướng dẫn chính tả, giáo viên
cung cấp cho học sinh các qui tắc chính tả, các mẹo chính tả hoặc có thể
giải nghĩa một số từ ngữ để học sinh khắc sâu các hiện tượng chính tả.
Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh viết từ:
“nghĩ ngợi” thì giáo viên hướng dẫn cách viết theo nhóm thanh điệu:
huyền-ngã-nặng/sắc-hỏi-ngang; khác với cách viết từ “nghỉ ngơi” (chú ý
những trường hợp ngoại lệ).
Giáo viên cho học sinh đọc thầm bài
chính tả và tự nêu lên những từ ngữ mà các em cảm thấy khó viết. Giáo
viên viết toàn bộ từ lên bảng, cho học sinh phân tích, so sánh để nắm
vững cách viết.
Ví dụ: Viết tiếng “trường” – học sinh phân tích: viết tr + ương + dấu huyền
Sau khi học sinh phân tích xong, giáo
viên cho học sinh đọc lại từ mà học sinh đã phân tích để cho học sinh
nắm vững cách đọc đúng, từ đó viết đúng. Sau đó, giáo viên cho học sinh
viết lại những từ đó vào bảng con nhằm để tái hiện lại cách viết từ ngữ
đó.
Đầu năm học, giáo viên cho mỗi học sinh
chuẩn bị một cuốn: “Sổ tay chính tả” để sau khi viết bảng con xong thì
học sinh mở sổ tay ra ghi lại những từ mà học sinh đã luyện viết nhằm để
ghi nhớ và khắc sâu những hiện tượng chính tả đó và tránh viết sai ở
lần sau.
Chính vì vậy, khi dạy chính tả, giáo
viên có thể tùy thuộc vào đặc điểm phương ngữ của học sinh lớp mình dạy
mà lựa chọn những từ ngữ luyện viết đúng để các em luyện tập cho phù
hợp.
Trong phần chấm chữa bài chính tả, ngoài
những học sinh đến lượt chấm thì giáo viên nên chấm bài mà những học
sinh thường mắc nhiều lỗi chính tả. Từ đó, giáo viên kịp thời nhận xét
và chữa lỗi cho các em; chỉ rõ cho các em thấy những lỗi viết sai của
mình hoặc hướng dẫn cho các em tự chữa lỗi của mình hoặc có thể nhờ một
học sinh khá giỏi giúp cho các em chữa lỗi.
Đối với bài viết mẫu của giáo viên trên
bảng phụ để hướng dẫn cho học sinh chữa lỗi thì chữ viết của giáo viên
phải rõ ràng, đúng theo mẫu chữ đã qui định; thực hiện theo phương châm:
“Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Để làm
được điều đó, mỗi thầy cô giáo phải ra sức luyện tập chữ viết của mình.
Các bài tập chính tả
Các bài tập dạy học sinh chính tả là một
hình thức đưa học sinh vào hoạt động thực hành và viết chính tả có ý
thức. Chỉ có thông qua con đường luyện tập thực hành thì mới hình thành
được năng lực viết chính tả cho học sinh một cách có hiệu quả. Để có
hiệu quả thì việc luyện tập phải có mục đích, phải có nội dung và hình
thức luyện tập phong phú và đa dạng.
Có một số bài tập âm vần có thể là bắt
buộc đối với tất cả các đối tượng học sinh nhưng cũng có thể là bài tập
lựa chọn cho học sinh theo từng vùng phương ngữ được đặt trong dấu ngoặc
đơn. Đây là nội dung dạy học thể hiện rõ nhất quan điểm dạy học chính
tả theo phương ngữ.
Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập chính
tả âm vần, đối với những bài tập bắt buộc tất cả các đối tượng học sinh
đều phải làm, nhưng đối với những bài tập lựa chọn, giáo viên không nên
quá “cứng nhắc” theo chương trình của Bộ đưa ra mà giáo viên nên căn cứ
vào đặc điểm chính tả của học sinh lớp mình phụ trách để lựa chọn những
bài tập sao cho phù hợp. Nếu những bài tập nào, giáo viên thấy không
phù hợp với tình hình học sinh thì có thể biên soạn lại nội dung bài tập
mới thay thế bài tập trong sách giáo khoa.
Ví dụ: Tuần 20 – Bài “Trên đường mòn Hồ Chí Minh” (Tiếng Việt 3)
Phần bài tập âm vần: Điền vào chỗ trống: s/x; uôc/uôt.
Đây là bài tập lựa chọn, giáo viên phải lựa chọn 1 trong 2 cặp âm vần đó để cho học sinh viết hoặc là s/x hoặc là uôc/uôt.
Đối với tiết chính tả có liền 2 bài tập
lựa chọn thì giáo viên có thể chọn cho học sinh làm 1 trong 2 bài tập.
Nhưng nếu trong bài tập có chỗ không phù hợp thì giáo viên có thể biên
soạn lại.
Ví dụ: Tuần 23 – Bài “Nghe nhạc” (Tiếng Việt 3)
Có 2 bài tập lựa chọn, giáo viên có thể chọn cho học sinh làm bài tập 2: Điền vào chỗ trống: l hay n; uc hay ut.
Nhưng nếu học sinh không viết sai l và n thì giáo viên có thể biên soạn lại nội dung bài tập như sau:
Điền vào chỗ trống
a. ch hay tr:
- Buổi …iều; thủy …iều.
- …ong chóng; …ong suốt
b. uc hay ut:
- cây tr. .. ; chim c. ..
- ông b…. ; b…. giảng
Khi thực hiện bài tập để học sinh khỏi
thấy giờ học buồn chán và tẻ nhạt. Giáo viên nên thay đổi hình thức
luyện tập cho học sinh như: Tổ chức cho học sinh làm bài tập cá nhân;
làm bài theo cặp hoặc theo nhóm. Bài làm có thể trình bày vào vở bài
tập,vào bảng con, bảng lớp, bảng quay hoặc giấy khổ to.
Có thể, trong cùng một lớp, giáo viên
giao cho học sinh này làm bài tập a, học sinh kia làm bài tập b tùy theo
lỗi phát âm và lỗi chính tả của từng học sinh. Hoặc có đôi lúc, giáo
viên biến bài tập thành một trò chơi để học sinh “Học mà chơi, chơi mà
học”.
Ví dụ: giáo viên chuẩn bị một loạt các
thẻ từ, trên đó có ghi những từ ngữ chứa cặp âm vần nào đó để học sinh
làm luyện tập. Giáo viên yêu cầu học sinh chọn và phân loại những từ nào
viết đúng, những từ nào viết sai. Cho học sinh thi đua giữa các nhóm,
nhóm nào làm đúng, nhanh thì nhóm đó thắng.
Sau khi học sinh trình bày kết quả bài
tập, thì một lần nữa giáo viên khắc sâu lại các quy tắc chính tả và các
mẹo chính tả có liên quan đến bài tập.
Cuối giờ học, giáo viên cho học sinh
viết lại những lỗi chính tả mà học sinh đã mắc phải đã chữa lỗi vào dưới
bài chính tả học sinh đã viết. Khi soạn bài, giáo viên soạn thêm một số
bài tập chính tả theo phương ngữ để học sinh luyện tập ở nhà. Giáo viên
sẽ chữa các bài tập này vào tiết học sau.
Trên đây là một số kinh nghiệm tôi đã
đúc kết được trong quá trình dạy học chính tả. Tùy vào hoàn cảnh giảng
dạy cụ thể mà mỗi giáo viên nên tổ chức một giờ dạy theo trình tự hợp
lý. Điều quan trọng là phải xuất phát từ đặc điểm ngôn ngữ của học sinh
lớp mình phụ trách mà giáo viên lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học
cho thích hợp. Hiệu quả của một giờ dạy chính tả không chỉ được đo bằng
qui trình dạy học và kết quả chấm bài của học sinh trong một tiết học
mà còn được đo bằng kết quả hình thành kỹ năng chính tả cho học sinh
theo từng khu vực phương ngữ cụ thể sau quá trình dạy học.
Huỳnh Văn Đông
(Trường Tiểu học Hòa Thuận, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)
0 comments:
Post a Comment